Lê Hoài Ân

Main Article Content

Abstract

Trong các lĩnh vực của xã hội hiện nay, nhiều dịch vụ dịch thuật do những người thạo ngoại ngữ và không được đào tạo bài bản về dịch thuật cung cấp. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu về lý luận và thực hành dịch đều thống nhất với nhau là đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa để có thể đáp ứng được những yêu cầu cao về chất lượng theo như khuyến nghị của các hiệp hội dịch thuật quốc tế như Hiệp hội CIUTI (Conférence Internationale Permanente d’Instituts Universitaires de Traducteurs et Interprètes, thành lập năm 1960), Viện Biên và Phiên dịch ITI Vương quốc Anh (Institute of Translating and Interpreting, thành lập năm 1986). Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu liên quan đến chương trình đào tạo biên và phiên dịch tại một số cơ sở đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp ở các quốc gia nói tiếng Đức như Đức, Áo, Thụy Sĩ, chúng tôi tổng hợp những quan điểm về đường hướng đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp của họ để làm rõ những vấn đề sau đây: mục tiêu chung của các chương trình đào tạo (CTĐT) của họ là gì? Các CTĐT của họ có những nội dung cốt lõi nào? Tại sao họ lại tập trung vào những nội dung này? Có thể học được gì từ các mô hình này cho việc đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp ở Việt Nam nói chung và tại Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nói riêng?