Tư duy hướng biển, chính sách bảo vệ chủ quyền và tài nguyên biển trong lịch sử Việt Nam
Main Article Content
Abstract
Là một quốc gia thuộc Đông Nam Á bán đảo, từ những thế kỷ trước, sau Công nguyên, trên lãnh thổ Việt Nam đã hình thành các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh - Chămpa, Óc Eo - Phù Nam nổi tiếng. Chủ nhân các nền văn hóa đó đã thể hiện rõ đặc tính văn hóa biển, tư duy hướng biển. Qua các tuyến giao lưu kinh tế, văn hóa trên biển, các nền văn hóa cổ đã có nhiều mối liên hệ với các trung tâm văn hóa, văn minh phương Đông và thế giới.
Làm chủ một không gian biển giàu tiềm năng, có nhiều hải cảng tự nhiên nổi tiếng đồng thời có vị trí giao thương trọng yếu ở Đông Á nên biển Việt Nam đã sớm trở thành môi trường sống và là mạch nguồn chủ đạo trong giao lưu kinh tế, văn hoá... với thế giới bên ngoài. Sau thời kỳ Bắc thuộc, bước vào kỷ nguyên độc lập, các triều đại quân chủ như Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê sơ (1428-1527), Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn (Đàng Trong, TK XVI-XVIII)... đều có ý thức sâu sắc về biển, chủ quyền biển đảo và vai trò của kinh tế đối ngoại với sự phát triển đất nước.
Với chính quyền Đàng Trong, đón nhận xu thế phát triển của kinh tế thế giới, chúa Nguyễn đã sớm có sự lựa chọn và tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế ngoại thương. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Đàng Trong đã trở thành một vương quốc cường thịnh, một trung tâm thương mại lớn của Đông Nam Á. Việc xây dựng được nền tảng kinh tế vững chắc trong đó có ngoại thương không chỉ góp phần đem lại một diện mạo mới cho kinh tế Đàng Trong mà còn tạo nên những điều kiện thiết yếu cho chính quyền này củng cố quyền lực, mở rộng cương vực lãnh thổ và bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc.