Trịnh Văn Tùng

Main Article Content

Abstract

Tóm tắt: Từ khi thất bại ở Điện Biên Phủ, theo các nguồn thông tin khác nhau, chính sách đối ngoại của nước Pháp căn bản tập trung vào vào châu Âu[1]. Tuy nhiên, về chiều sâu, Việt Nam luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách quan hệ quốc tế của Pháp bởi lẽ rất nhiều tiềm năng, nguồn lực và thậm chí là “di sản tích cực” của quá khứ thuộc địa cần phải được duy trì và phát triển “đúng lúc” phục vụ cho quá trình phục hồi hoặc đúng hơn là quá trình “tái định vị” của nước Pháp tại châu Á, Đông Nam Á nói chung và tại Đông Dương nói riêng. Trong quá trình thay đổi chiến lược như vậy, các chính sách đối ngoại của nước Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam thiết lập quan hệ với Liên minh châu Âu và ngược lại, góp phần giúp Liên minh châu Âu gần Việt Nam hơn, đã tiến triển tuỳ theo từng bối cảnh chính trị và lịch sử. Cụ thể là, các chính sách đối ngoại ấy tiến triển theo ba giai đoạn: 1) từ 1954 đến 1973; 2) từ 1973 đến 1993 và 3) từ 1993 đến nay.  Nước Pháp có vai trò gì trong việc hỗ trợ quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở từng giai đoạn ấy? Liệu có tồn tại một “sợi chỉ xuyên suốt” hoặc “một định hình chính sách mang tính chủ đạo” trong vai trò ấy? Và vai trò của nước Pháp ở mỗi giai đoạn ấy có những đặc điểm gì?

Đầu tiên, bài báo này nhằm phân tích vai trò kì vọng của nước Pháp. Hay nói cách khác, nước Pháp kì vọng gì trong việc hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu? Tại sao và bắt đầu từ khi nào nước Pháp thực sự mong muốn có sự tiến triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong quá trình định vị chiến lược của mình?

Mục đích thứ hai của bài báo này là phân tích vai trò chủ quan của nước Pháp trong sự hỗ trợ phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Nội dung này đặt dấu nhấn vào vệc phân tích một số “tự đánh giá” của nước Pháp về những đóng góp và những thiếu hụt của chính mình so với kì vọng.

Cuối cùng, bài báo này nhằm mục tiêu phân tích vai trò khách quan của nước Pháp trong quá trình thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Để lí giải khách quan vai trò này, bài báo sẽ tập trung phân tích những nhận định và đánh giá từ phía Việt Nam theo phương pháp phân tích phức hợp. Khi phối hợp phân tích và nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn đa diện phức hợp ấy, hy vọng rằng, bài báo sẽ mang đến một cái nhìn khách quan nhất có thể về vai trò của nước Pháp trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu từ năm 1954 đến nay.

Từ khoá: Vai trò của nước Pháp, vai trò kì vọng, vai trò chủ quan, vai trò khách quan, thời kì, quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

[1] Châu Âu ở đây có nghĩa là Liên minh châu Âu, tức là kết quả của quá trình phát triển thiết chế đầu tiên từ Cộng đồng kinh tế châu Âu (CEE – tiếng Pháp: Communauté Économique Européenne).