Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam
Main Article Content
Abstract
Do những đặc điểm địa - văn hóa, trong quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của mình, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo/và còn để lại/những di sản văn hóa hết sức độc đáo và đa dạng. Tính đến nay, trong số hàng chục nghìn di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, đã có 92 di tích được xếp loại Quốc gia đặc biệt, 3.048 di tích xếp loại Di tích Quốc gia và 6.092 di tích cấp tỉnh. Và, cho đến nay, đã có 8 di sản vật thể tại Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản Thế giới. Đó là: khu di tích cố đô Huế, khu thắng cảnh Hạ Long, khu thánh địa Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ và Khu danh thắng Tràng An. Mặt khác, kho tàng các di sản văn hoá vật thể của Việt Nam còn bao gồm hàng chục triệu di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia có giá trị đang được bảo quản và trưng bày tại hệ thống 125 bảo tàng phân bố ở mọi miền đất nước và tập trung ở những trung tâm văn hoá - du lịch lớn.
Đồng thời với các di sản văn hoá là vật thể, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam còn gồm các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, các ngành nghề thủ công truyền thống, những giá trị nổi trội về y, dược cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống, v.v... của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, đã có 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Đền Gióng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví-Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt.
Kho tàng các di sản văn hoá phong phú, đa dạng và đặc sắc lại phân bố tập trung thành những cụm ở đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Cửu Long, ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên, ở dọc theo vùng ven biển, trên trục lộ xuyên Việt gần các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng, tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc hình thành và tổ chức khai thác các trung tâm du lịch của Việt Nam. Ngoài những hiệu quả về kinh tế, những đóng góp không thể phủ nhận của du lịch Việt Nam nói chung là việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam, về truyền thống lịch sử và những bản sắc văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam theo định hướng du lịch văn hoá với sự phong phú đa dạng của nhiều loại hình hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay có không ít di tích lịch sử, văn hoá kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, đang bị biến dạng nghiêm trọng do những hành vi vô thức và hữu thức của con người cùng những sự tác động thường xuyên của các yếu tố khí hậu nhiệt đới ẩm như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các loại động, thực vật có hại và những hiểm họa thiên tai khác như bão, lụt, động đất, núi lở, lũ quét v.v đặc biệt là những dấu hiệu bất thường của thời tiết trong những năm gần đây, những nguy cơ thực tế của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc đổi mới các hoạt động quản lý bảo vệ và phát huy kho tàng di sản trong tình hình mới hiện nay có vai trò hết sức quan trọng tham gia vào sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.
Hy vọng rằng, những nhận thức mới và kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học thiết thực và bổ ích trong việc hợp tác nghiên cứu, xác định những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam - một bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại.