Xã hội hóa tổ chức và xu hướng hành vi nghề nghiệp của nữ trí thức trẻ tại Hà Nội
Main Article Content
Abstract
Tóm tắt: Trên cơ sở kết quả điều tra và phỏng vấn sâu 333 người đang làm việc tại Hà Nội, bài viết phân tích về các đặc trưng xã hội hóa của những nữ trí thức trẻ theo 3 giai đoạn: như “Tiền xã hội hóa”, “ Điều tiết” và giai đoạn “Làm chủ vai trò nghề nghiệp” (dựa trên lý thuyết về các giai đoạn xã hội hóa tổ chức của Feldman - 1976) [1 ]. Việc phân tích thực trạng các đặc điểm hành vi nghề nghiệp của các nữ trí thức trong từng giai đoạn, nghiên cứu đã chỉ ra 2 xu hướng hành vi nghề nghiệp khác nhau của nhóm nữ trí thức trẻ làm việc trong hệ thống tổ chức nhà nước và tổ chức tư nhân: So với những nữ trí thức trẻ làm ở các đơn vị ngoài quốc doanh, nữ trí thức đang làm việc cho cơ quan Nhà nước thường mất nhiều thời gian để tìm được việc (từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc hơn); họ tập trung đông hơn ở nhóm xin việc do ảnh hưởng từ các mối quan hệ và có thời gian thích ứng với công việc của mình từ 1 đến 2 năm; họ có xu hướng làm một lúc nhiều công việc cho nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, họ thường ít có kinh nghiệm trong việc thay đổi công việc hay cơ quan và cũng không có ý định chuyển đổi chúng trong tương lai. Trong khi đó, quá trình xã hội hóa nghề nghiệp của những nữ trí thức trẻ làm ở các đơn vị ngoài quốc doanh thường theo xu hướng tìm kiếm việc làm từ các phương tiện truyền thông đại chúng và dựa vào năng lực của bản thân, họ làm chủ công việc trong thời gian ngắn, họ được xã hội hóa trong môi trường lao động có nhiều áp lực cạnh tranh và đòi hỏi sự phấn đấu để phát triển nghề nghiệp cao, các nữ trí thức trẻ làm việc ngoài quốc doanh có xu hướng thay đổi công việc/ tổ chức.
Từ khóa: Xã hội hóa tổ chức, nữ trí thức trẻ.